Năm 2016, chương trình Đường lên đỉnh Olympia có câu hỏi, trong các thành phố của Việt Nam, thành phố nào không có công viên? Câu trả lời đúng là Thành phố Hội An. Nhưng kể từ tháng 7.2020, công viên Hội An đã được đưa vào sử dụng.
Hội An trước đây chỉ có các công viên nhỏ nhưng từ tháng 7 trở đi, công viên Hội An đã được đưa vào hoạt động với một trung tâm giao lưu với quảng trường công viên có sức chứa 5.000 chỗ, một nhà văn hóa cho thanh thiếu niên, một địa điểm sinh hoạt vui chơi giải trí, rèn luyện sức khỏe cho người dân.
Công viên được thiết kế với quảng trường lớn 5.026m2 là tâm điểm cho toàn bố cục, có khoảng lùi sâu 160m so với trục đường Phạm Hồng Thái nhằm tạo tầm nhìn cũng như không gian giao tiếp cho toàn bộ công viên. Khi có sự kiện lớn thì quảng trường có khả năng mở rộng hai bên thêm 4.000m2.
Các công trình trong công viên được thiết kế với chiều cao tối đa là hai tầng với vật liệu chủ yếu như bê tông, cốt thép, kính kết hợp với nguồn vật liệu có sẵn tại địa phương như gạch, cát, đá, gỗ. Màu chủ đạo công trình là màu gỗ, màu trắng, cùng với hình ảnh kiến trúc Hội An tạo nên sự hài hòa với môi trường xung quanh.
Thiết kế công viên dựa trên hình ảnh của con chuồn chuồn tre, một món đồ chơi dễ dàng tìm thấy ở Hội An. Hình ảnh chuồn chuồn là hình ảnh chính cho tổng mặt bằng công viên. Bên cạnh đó là hình ảnh của Môn Thần (thần giữ cửa) được thấy hầu hết trên cửa nhà cổ Hội An, hình ảnh của đèn lồng và hình ảnh của hoa sen.
Công viên có 6 lối vào. Tầng trệt của trung tâm giao lưu văn hóa – công trình lớn nhất trong công viên được bố trí một số không gian trưng bày cố định (cho một số tỉnh thành hay quốc gia kết nghĩa với thành phố Hội An) và bố trí thêm không gian trưng bày triển lãm theo định kỳ tại vị trí sảnh chính.
Mặt bằng lầu bố trí hội trường lớn 700 chỗ – mang tính đa năng (bố trí vách ngăn di động) nên có thể chia thành hội trường nhỏ khi có số lượng người ít hơn.
Điểm đặc biệt của công trình công viên Hội An là 9 trụ biểu điêu khắc cùng có chiều cao khoảng 7m. Mỗi trụ biểu tại đây được vẽ, điêu khắc trên từng thân trụ và mang những ý nghĩa riêng. Cụ thể:
Trụ cái: Là trụ chủ đạo mang ý nghĩa nguồn gốc và dòng chảy văn hóa. Thể hiện chung về bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam (trống đồng và các biểu tượng văn hóa nổi bật…) của Quảng Nam (truyền thống ngũ phụng tề phi, trung dũng kiên cường trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, anh hùng trong lao động xây dựng quê hương; hình ảnh đặc tả núi sông, làng quê, ruộng đồng xứ Quảng…)
- Trụ số 2: Mở mang bờ cõi, xây dựng cơ đồ
- Trụ số 3: Anh hùng trong kháng chiến
- Trụ số 4: Anh hùng trong lao động
- Trụ số 5: Hội nhập và phát triển
- Trụ số 6: Tiềm năng biển đảo
- Trụ số 7: Tiềm năng sông nước
- Trụ số 8: Nhân văn làng quê – làng nghề Hội An
- Trụ số 9: Kết nối nhân tâm
Phù điêu trên các trụ được sử dụng chất liệu đất nung từ chính làng gốm truyền thống Thanh Hà – Hội An và được người dân làng gốm thực hiện.
Công viên Hội An là một công trình cấp tỉnh đạt chuẩn quốc gia về cảnh quan đô thị và điểm nhấn đô thị cũng như mang ý nghĩa quan trọng về biểu tượng truyền thống, lịch sử của thành phố Hội An.
Quy hoạch tổng thể của công viên nhằm khai thác tối đa yếu tố địa hình, hiện trạng khu đất nhằm tạo ra một tổng thể hài hòa giữa khu đất quy hoạch với cảnh quan chung quanh. Cây xanh, hồ nước được chú trọng trong thiết kế, xây dựng, tạo nên những sắc thái văn hóa đặc trưng của Hội An, góp phần tăng vẻ đẹp cảnh quan đô thị thành phố…
Đơn vị thiết kế là Công ty TNHH Thiết kế kiến trúc xây dựng Phúc Tân Việt. ThS. KTS Đinh Văn Phúc, chủ trì thiết kế là một người con của Hội An với các công trình tiêu biểu và đoạt các giải thưởng cao về kiến trúc gần đây như: Khu liên hợp Bảo tàng, Thư viện và công viên tỉnh Đắk Nông, Công viên đảo nổi Hồ Trung Tâm thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông).
Nguồn: nguoidothi.net.vn